Nhà văn Di Li kết hợp với Nhã Nam vừa ra mắt cuốn sách Tật xấu người Việt. Trong sách, Di Li kể 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập, khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam, khinh nữ, hay cả nể, gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích…

Nhà văn Di Li mất 15 năm để hoàn thành tác phẩm Tật xấu người Việt dù biết khi ra mắt sẽ gây nhiều tranh cãi. 

W-z4949636034604-4742d6994e51aedd05e7aa0b07d1627a-1.jpg
Nhà văn Di Li và tác giả Phan Đăng tại lễ ra mắt sách.

“Tôi biết cuốn sách này sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể định lượng nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất. Hơn nữa, khi những quan điểm ít nhiều va chạm đến một số người rất có thể gây chạnh lòng. Nhưng tôi thực lòng mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất. Bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được tôi nghiên cứu trong suốt thời gian dài về tính cách của người Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt”, nhà văn cho biết.

Nhà báo Yên Ba viết lời giới thiệu cho cuốn sách: “Có đủ hết trong cuốn sách này những tính cách (và tính nết) mà người ta kiêng kị không nói đến một cách công khai, lại càng tránh tập trung chúng vào một chỗ. Lắc rắc vài hạt tiêu làm cho bát cháo ngon hơn nhưng cả một bát cháo toàn hạt tiêu thì cay lắm, làm sao mà nuốt nổi!

Nhưng câu chuyện ở đây không phải là một bát cháo quá nhiều hạt tiêu; đây là một bát thuốc và nó rất đắng! Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế là một công việc nguy hiểm. Nhưng tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt, ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành”.

Tại lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng khi đọc Tật xấu của người Việt ông thấy mình trong đó. “Những tật xấu có trong gia đình, nơi làm việc, xã hội, từ cách ăn, cách ở, cách nói, cách trao quà, nhận quà…

Những tật xấu được Di Li phân tích một cách khoa học, thiện chí và nhân văn. Người đọc thấy được những tật xấu của mình trong đó nhưng không tự ái mà suy nghĩ lại, thay đổi mình. Di Li viết với mong muốn làm sao một ngày nào đó những tật xấu đó dần biến mất, thay vào đó là những vẻ đẹp mà người Việt đã có”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

W-z4949636040306-1288f99b472a6d96548857243f1425e7-1.jpg

Di Li, sinh năm 1978 tại Hà Nội, được biết đến là một nhà văn, một dịch giả nổi tiếng. Chị từng được xem là hiện tượng của văn học phía Bắc khi rất thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị. Tiểu thuyết đầu tay Trại hoa đỏ phát hành năm 2009 của Di Li đã tạo ấn tượng rất mạnh mẽ với công chúng. Năm 2022, đạo diễn Victor Vũ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết này của Di Li để thực hiện bộ phim cùng tên. Di Li cũng là nữ nhà văn có cách viết đa dạng nhiều thể loại, Tật xấu người Việt là cuốn sách thứ 27 của chị.

Làm thế nào đặt cuốn sách lên tay những người chưa có thói quen đọc?“Với người lớn, tôi chọn chia sẻ, chẳng hạn đọc cuốn nào hay thì kể lại. Với trẻ em, tôi mới nói đến các hoạt động khuyến đọc vì thói quen phải được hình thành càng sớm càng tốt”, tác giả Phương Huyền nói.