“Nguy” và “cơ” của doanh nghiệp Việt Nam với Thỏa thuận Xanh EU
Nguồn: VCCI. Đồ họa: Phương Anh

PV: Triển khai Thỏa thuận Xanh, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu. EU là một trong các điểm đến quan trọng hàng đầu của xuất khẩu Việt Nam. Xin bà cho biết thỏa thuận này tạo ra những thách thức gì đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam?

“Nguy” và “cơ” của doanh nghiệp Việt Nam với Thỏa thuận Xanh EU

TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Thoả thuận Xanh EU là một gói các chính sách của EU được ban hành năm 2020 để đối phó với các vấn đề khẩn cấp toàn cầu về khí hậu, thực hiện mục tiêu trung hòa khí hậu của EU đến năm 2050. Theo rà soát của chúng tôi, đến hiện tại với khoảng gần 60 hành động thực thi, thỏa thuận này tác động đến các DN xuất khẩu của Việt Nam ở 3 góc độ chính.

Thứ nhất, thỏa thuận làm gia tăng các tiêu chuẩn xanh, bền vững đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU (các tiêu chuẩn kỹ thuật xanh mới, hoặc sửa đổi, nâng cấp yêu cầu hoặc mở rộng diện áp dụng của các tiêu chuẩn hiện có).

Hai là, làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh (dưới dạng các khoản phí bổ sung phải nộp, các loại chứng chỉ trung hòa carbon phải mua…) của một số nhà sản xuất liên quan đến sản phẩm có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất khi nhập khẩu vào EU.

Cuối cùng là làm gia tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như về các yêu cầu liên quan đến tác động của quá trình sản xuất, sử dụng, thải bỏ sản phẩm đối với môi trường.

Đáp ứng các tiêu chuẩn thông thường của EU vốn đã không phải là dễ dàng với nhiều DN. Thách thức sẽ còn lớn hơn nhiều với các tiêu chuẩn xanh mới hoặc nâng cấp theo hướng cao hơn, khắt khe và khó khăn hơn. Đằng sau tất cả các thách thức kỹ thuật này là khả năng chi trả hay đầu tư để chuyển đổi.

Với phần lớn các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ Thỏa thuận Xanh EU là nhiệm vụ rất khó khăn.

PV: Có thể thấy, Thỏa thuận Xanh EU đặt ra rất nhiều thách thức với các DN xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt Nam thường có câu “trong nguy có cơ”. Vậy việc tuân thủ thỏa thuận này mang lại những cơ hội nào cho các DN, thưa bà?

Ảnh minh họa

TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Nếu có sự chuẩn bị từ sớm, việc đáp ứng các yêu cầu xanh của EU trên thực tế vẫn có thể là khả thi, với phần lớn các DN Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU. Một mặt, tất cả các chính sách xanh của EU đều được công khai dự thảo và tham vấn ý kiến công chúng trong một khoảng thời gian rất dài trước khi được thông qua. Kể cả khi có hiệu lực, các chính sách này đều có lộ trình triển khai từng bước, các yêu cầu khó chỉ phải thực thi đầy đủ sau một khoảng thời gian dài.

Mặt khác, không phải mọi tiêu chuẩn xanh đều yêu cầu chi phí tuân thủ cao mà có thể là yêu cầu thay đổi trong cách thức hành động (ví dụ các yêu cầu về khai báo phát thải, về thông tin đối với sản phẩm…). Một số trường hợp, các tiêu chuẩn xanh EU được pháp luật hóa từ các tiêu chuẩn tự nguyện trước đó mà DN đã thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, nên có thể không đòi hỏi thay đổi quá lớn với DN.

Mặc dù trước mắt các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội cho DN. Từ góc độ thị trường, đây là cách thức tốt nhất để DN có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.

Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của DN đi các thị trường phát triển khác cũng đang thúc đẩy các hành động tương tự EU (Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…). Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh mặc dù có thể yêu cầu đầu tư ban đầu cao nhưng trong dài hạn lại có thể giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN.

Trên bình diện vĩ mô, việc từng DN tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, từ đó đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững của chính Việt Nam.

PV: Bà có khuyến nghị gì cho các DN xuất khẩu của Việt Nam trong việc thích ứng và tuân thủ các quy định của Thỏa thuận Xanh EU?

TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Trước hết, DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trong các ngành bị ảnh hưởng cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình. Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, Thỏa thuận Xanh và các chính sách, biện pháp thực thi không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian.

Không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung hay một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU. Do đó, việc đầu tiên cần làm để ứng phó với các tác động của Thỏa thuận Xanh EU là chủ động tìm hiểu về thỏa thuận này để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, DN có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nhóm các sản phẩm xuất khẩu chịu tác động mạnh

Các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới bao gồm: sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại; dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm.