“Cuốn sách là bước tiếp nối quan trọng khi người dân thành phố và cộng đồng trong nước và quốc tế cùng tham gia vào hành trình kiến tạo, xây dựng một thành phố thịnh vượng, một đô thị phát triển bền vững”, Ông Phan Văn Mãi – UV BCH TW Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã đánh giá như vậy trong lời tựa cuốn sách..

Thành phố Hồ Chí Minh có sông chính là sông Sài Gòn, xưa gọi là sông Bình Giang, vì chảy qua phủ Tân Bình cũ, tục danh gọi là sông Bến Nghé. Theo độ dốc của địa hình miền Đông Nam Bộ, nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng chảy về hướng Đông Nam, qua các huyện nội thành. Đến ngã ba Nhà Bè, sông hợp với sông Đồng Nai thành một dòng gọi là sông Nhà Bè; đến ngã ba Bình Phước chia thành hai ngả, ngả phía Bắc gọi là sông Lòng Tàu, rồi sông Ngã Bảy, ra cửa Cần Giờ; ngả phía Nam gọi là sông Nhà Bè, rồi qua sông Soài Rạp chảy ra cửa Soài Rạp. Chảy qua miền địa hình thấp, phù sa trẻ, con sông vẽ nên những đường cong ngoạn mục, như hình một con Rồng uốn lượn trong lòng Thành phố.

Dòng sông từ bao thế kỷ nay, đã đóng một vai trò quan trọng như một hạ tầng giao thông, tiêu thoát nước, cơ hội cho những hoạt động kinh tế, giao thương và tạo nên sự đa dạng của văn hóa sông nước dọc theo nhiều vùng đất. Chiến tranh và đô thị hóa thiếu kiểm soát đã có giai đoạn làm cho dòng sông bị lãng quên, quay lưng khỏi cuộc sống đô thị. Nhiều vấn đề như sạt lở bờ, ngập úng và suy thoái giá trị sinh thái cảnh quan ven sông là những thách thức lớn cho nền kinh tế và cuộc sống đô thị. Việc giải quyết những vấn đề trên ngày càng trở nên cấp thiết đối với công tác quản lý và quy hoạch, nhằm tạo cơ hội khả thi cho những dự án đầu tư phát triển hỗn hợp, khôi phục lại những không gian cảnh quan và những giá trị của dòng sông. Điều này càng có ý nghĩa khi các thành phố đang đối diện với những thách thức, những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, từ nguy cơ đánh mất những giá trị cảnh quan sinh thái và di sản, những chức năng cơ bản của dòng sông. Đề án “Đánh thức con rồng xanh – sông Sài Gòn” là tiền đề cho những hành động cấp thiết hiện nay của thành phố.

Tầm nhìn về một thành phố có chất lượng sống cao, hấp dẫn và đậm đà bản sắc sông nước, lời cảm hứng cho sự phát triển một hành lang kinh tế xanh dọc theo sông Sài Gòn. Đô thị từng bước chuyển đổi và phát triển trên nền tảng hệ sinh thái đa dạng, một hành lang kinh tế dịch vụ sống động, dựa trên một hạ tầng xanh đa chức năng. Cấu trúc hạ tầng xanh bao gồm hệ thống kênh rạch, hệ thống cảnh quan sinh thái nước, gắn kết hạ tầng kỹ thuật cầu cảng, công viên và tiện ích đô thị, gắn kết chức năng hai bờ và hợp tác liên vùng, phát huy hiệu quả sử dụng đất bền vững. Những yếu tố văn hóa với lịch sử và những chu trình sinh thái tự nhiên là nền tảng cho những hoạt động kinh tế xã hội của thành phố và vùng thành phố. Nhìn nhận lại những dấu ấn phát triển để chỉ ra những giá trị cần bảo tồn, tìm ra những cơ hội chuyển đổi đô thị đột phá bên bờ sông, dựa trên nền tảng và mô hình kinh tế bền vững: từ việc lựa chọn đúng vị trí, cách làm và những bước đi phù hợp; tham khảo những bài học thành công và thất bại trong quá khứ.

Công trình: “Đánh thức con rồng xanh” hướng đến những dự án cụ thể trong chiến lược tái thiết, chỉnh trang thành phố. Triển khai “Đánh thức con rồng xanh” chính là thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30/12/2022 và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 11 của Đảng bộ TP.HCM.

Đề án “Đánh thức con rồng xanh” là cơ hội tăng cường đáng kể diện tích cây xanh và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội cho các hoạt động văn hóa sông nước. Công trình góp phần tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, du lịch, giải trí, kinh tế cộng đồng và xây dựng thương hiệu cho Thành phố trong xu hướng giảm thiểu phát thải, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với giải pháp tổ chức nguồn lực đổi mới sáng tạo, đề án “Đánh thức con rồng xanh” là một cách làm mới, giúp huy động mọi nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước, trên nền tảng mô hình vòng xoắn 3 (Triple Helix), là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước trường đại học viện nghiên cứu và doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng các dự án dọc hành lang sông Sài Gòn bằng cơ chế tài chính thông minh và cách làm đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 98 (Nghị quyết số 98/2023/QH15). Giải pháp triển khai đề xuất vận dụng nguyên tắc sử dụng tối thiểu nguồn lực để hiện thực hóa tối đa những mục tiêu phát triển bền vững. Ở góc độ tài chính, nguồn lực nhà nước được sử dụng tối thiểu nhất, vận dụng cơ chế thị trường, qua giải pháp tổ chức thực hiện, khai thác và nắm bắt giá trị đất để chi trả cho kinh phí đầu tư và vận hành bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.

Công trình: “Đánh thức con rồng xanh” hướng đến những dự án cụ thể trong chiến lược tái thiết, chỉnh trang Thành phố. Triển khai “Đánh thức con rồng xanh” chính là thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30/12/2022 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng bộ Thành phố. Rồng xanh – sông Sài Gòn – là một tác phẩm của thiên nhiên và văn hóa, là biểu tượng thiêng liêng, quý giá; là niềm tự hào của của mọi người dân Thành phố. Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, rất cần mỗi người dân cùng chung tay góp sức, bằng tình yêu, ước mơ, những nỗ lực bền bỉ và sáng tạo và từ những hành động cụ thể mỗi ngày.

Với mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, công trình “Đánh thức con rồng xanh” ước muốn gửi gắm những ước mơ của thế hệ hôm nay, như một hành động kế thừa và tiếp nối mệnh của những thế hệ đi trước, cùng tham gia vào công cuộc chuyển mình và cạnh tranh mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh trên trường quốc tế.

Với bố cục gồm 9 chương, cuốn sách Đánh thức con rồng xanh định hình những giá trị của dòng sông và đề xuất những giải pháp huy động nguồn lực xã hội để quy hoạch thiết kế đầu tư và khai thác hiệu quả một hạ tầng xanh đa chức năng cho dòng sông Sài Gòn, được ví như một chương trình hành động ‘gọi rồng xanh thức giấc’. Trong xu hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu phát thải và thích nghi biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Đây cũng chính là điểm nhấn nổi trội, từng bước hình thành thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh trên trường quốc tế với việc thúc đẩy xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế dịch vụ hài hòa với môi trường tự nhiên và đặc trưng văn hóa sông nước, làm đậm đà hơn những giá trị di sản lịch sử và di sản kiến trúc cảnh quan của thành phố.

Cuốn sách “Đánh thức con rồng xanh” của CEO Đặng Đức Thành và Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, vừa thể hiện kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển kinh tế đô thị, vừa có sự hiểu biết chuyên sâu về lý luận quy hoạch phát triển bền vững. Các nội dung từ quyển sách là tham khảo quan trọng để tiếp tục nghiên cứu trong quy hoạch và phát huy giá trị lưu vực sông Sài Gòn trong sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách là bước tiếp nối quan trọng khi người dân thành phố và cộng đồng trong nước và quốc tế cùng tham gia vào hành trình kiến tạo, xây dựng một thành phố thịnh vượng, một đô thị phát triển bền vững.

Ông Phan Văn Mãi

UV BCH TW Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM